Nang thận là một bệnh lý về thận thường gặp. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lầm tưởng rằng nang thận là một dạng của sỏi thận hoặc hình thành nên sỏi. Bài viết giúp bạn hiểu rõ và đầy đủ hơn về bệnh lý nang thận.

 

Nang thận là gì?

 

Thận có chức năng đào thải và tái hấp thu các chất. Nếu vì một lý do nào đó, nước tiểu bị ứ đọng tại thận và gây tắc nghẽn, nang thận sẽ hình thành giống như một túi kín chứa nước. Nang thận mọc trên vỏ thận, đơn hoặc đa nang; có dạng hình bầu dục hoặc tròn, kích thước từ 1-10cm, bên trong nang thận là dịch lỏng trong, màu hơi vàng.

Theo nghiên cứu, ở những người trên 70 tuổi thì có khoảng 30% người có nang thận. bệnh lý này tăng theo tuổi và có xu hướng tăng kích thước theo thời gian.

 

Nguyên nhân hình thành nang thận

 

Cho đến nay, y học vẫn chưa xác định rõ ràng căn nguyên của bệnh lý này. Tuy nhiên, một số yếu tố đuọc cho là làm tăng nguy cơ gây nang thận bao gồm:

+ Tuổi tác: nang thận thường xuất hiện ở những người cao tuổi, những người ngoài 50 tuổi có nguy cơ là 50%.

+ Liên quan đến chức năng thận: nhiều người có thể bị nang thận bẩm sinh hay các bệnh lý liên quan đến thận như tắc ống lượn gần, túi thừa đài thận,…

+ Bệnh lý: viêm hay nhiễm trùng tiết niệu, sỏi thận gây tắc nghẽn đường tiểu.

 

Triệu chứng khi bị nang thận

 

Nang thận là bệnh lý lành tính, khi nang còn nhỏ thì chưa gây ra triêu chứng gì, cũng không ảnh hưởng đến chức năng thận. Khi nang lớn chèn ép đài bể thận có thể gây đau vùng lưng, hông, rối loạn tiểu tiện (đái buốt, đái máu) và khi nang vỡ gây nhiễm trùng (biểu hiện: sốt, nước tiểu màu sậm). Bạn nên lưu ý những triệu chứng này để báo với bác sĩ của bạn.

 

Biến chứng gặp phải khi bị nang thận

 

Nang thận ít khi gây ra biến chứng nghiêm trọng hay bệnh tại thận. Tuy nhiên, khi nang trên 6cm, nó bắt đầu gây ra triệu chứng và ảnh hưởng đến thận. Biến chứng gặp phải thường là vỡ nang, nhiễm khuẩn tại thận, gây thiếu máu tới thận làm giảm chức năng thận, tăng huyết áp, hình thành sỏi trong nang.

 

Điều trị nang thận

 

Nếu khi nang còn nhỏ và chưa gây ra đau đớn cho bệnh nhân thì về cơ bản chưa cần điều trị. Nhưng bệnh nhân cần được theo dõi đánh giá chức năng thận thường xuyên để kịp thời phát hiện khối u nang, ngăn nguy cơ biến chứng và ung thư thận. Khi kích thước nang quá lớn chèn ép gây đau, bệnh nhân có thể được điều trị bằng can thiệp ngoại khoa như chọc hút nang, mổ hở hoặc phẫu thuật nội soi loại bỏ nang. Nếu có sỏi trong thận hoặc đường tiết niệu, nên được loại bỏ sớm.

Bên cạnh đó, nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý để phòng tránh bệnh.

 

Bị nang thận nên có chế độ ăn uống như thế nào?

 

+ Ăn ít đạm, ăn nhạt, hạn chế thực phẩm giàu Kali (bơ, chuối, cà chua, khoai tây,…)

+ Không ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật

+ Không ăn đồ cay nóng, đồ chua, nấm, hạn chế thực phẩm đông lạnh, đồ hộp

+ Bổ sung các loại trái cây tốt cho thận như táo, lê, cam.

Ngoài ra, bệnh nhân cần kết hơp chế độ tập luyện, nghỉ ngơi phù hợp.

Bệnh lý nang thận là một dạng tổn thương lành tính, bệnh nhân không cần quá lo lắng khi siêu âm phát hiện ra nang thận. Nhưng vẫn phải thăm khám thường xuyên để tầm soát bệnh. Nếu phát hiện có sỏi ở thận hoặc đường tiết niệu, phải có phương pháp điều trị phù hiợp để loại bỏ sỏi, tránh tình trạng sỏi gây tắc ứ nước tiểu gây ra nang thận.