Đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành như đậu phụ, sữa đậu nành,... là nguồn cung cấp protein thực vật rất tốt cho cơ thể. Đậu nành cũng được biết là thực phẩm chứa hàm lượng oxalate cao. Như vậy, ăn nhiều đậu nành có gây sỏi thận?

 

Oxalate và sỏi thận?

Sỏi thận, sỏi tiết niệu (sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo) được hình thành do các muối không tan trong nước tiểu lắng đọng, tích tụ dần tạo thành. Theo thành phần hóa học, sỏi tiết niệu được chia thành nhiều loại khác nhau như Sỏi canxi, Sỏi Urate, Sỏi Struvite, Sỏi Cystine,… Trong đó, sỏi Canxi oxalate chiếm trên 80% tổng số trường hợp bị sỏi.

Sỏi Canxi oxalate được cấu thành từ 2 phần: Canxi và oxalate. Chế độ ăn uống nhiều thực phẩm chứa hai thành phần trên sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi, làm chậm quá trình điều trị sỏi ở những người bị sỏi thận.

 

Oxalate gây sỏi thận như thế nào?

Oxalate được đưa vào cơ thể qua các loại rau, củ, quả ăn uống hằng ngày. Một phần oxalate trong cơ thể là sản phẩm của quá trình chuyển hóa vitamin C. Oxalate được bài tiết ra ngoài theo đường tiêu hóa và tiết niệu.
Trong đường ruột, oxalate kết hợp với ion canxi tạo phức hợp muối canxi oxalate. Muối này sẽ được đẩy ra ngoài theo cùng phân. Một phần oxalate trong cơ thể được thải trừ hàng ngày qua đường tiết niệu, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng gây sỏi. Vì một nguyên nhân nào đó khiến  nước tiểu bị cô đặc (nước tiểu ít), nước tiểu quá acid sẽ làm tăng nồng độ oxalate trong đường tiết niệu, oxalate dễ dàng kết hợp với ion canxi tạo muối canxi oxalate không tan, lắng đọng lại, tích tụ dần tạo thành sỏi.
Do đó, dù bị sỏi thận, sỏi tiết niệu, bạn vẫn cần bổ sung đầy đủ canxi cho cơ thể để ion canxi kết hợp với oxalate ngay từ trong đường ruột, tạo muối hạn chế lượng oxalate bài tiết qua đường tiết niệu.

 

Sỏi thận có nên kiêng ăn đậu?

Oxalate có nhiều trong các loại trái cây như: nho, quả kiwi, mâm xôi, việt quất; các loại rau như: củ cải, đậu bấp, cà tím, rau bina (loại rau này ít có ở Việt Nam), trà xanh,...  Các loại đậu (đậu nành, đậu xanh) và các sản phẩm từ đậu (đậu phụ, sữa đậu nành,...) cũng được biết là một trong những nguồn thực phẩm giàu oxalate. Vậy người bị sỏi thận có nên ăn các loại đậu?

Theo các nghiên cứu gần đây, việc loại bỏ hoàn toàn oxalate ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày không tốt bằng chế độ ăn đủ canxi và oxalate đối với người bệnh sỏi thận. Chế độ ăn bổ sung đủ canxi cho cơ thể làm tăng khả năng kết hợp giữa canxi và oxalate trong đường tiêu hóa, giúp tăng đào thảo oxalate qua phân, giảm lượng oxalate qua nước tiểu, giảm nguy cơ hình thành sỏi đường tiết niệu. 

Như vậy, với người bệnh sỏi thận, sỏi tiết niệu không cần kiêng tuyệt đối các thực phẩm từ đậu như đậu nành, đậu phụ, mà nên cân bằng thực phẩm bổ sung canxi và oxalate. Bạn nên lựa chọn các thực phẩm giàu canxi như sữa, yogurt, phô mai hoặc các loại rau như súp lơ, cải xoăn, cải xoong, đậu bắp để làm tăng lượng canxi vào cơ thể. Ví dụ, nếu trong thực đơn có đậu phụ hãy ăn thêm súp lơ hay uống thêm sữa để cân bằng lượng canxi và oxalate. Bên cạnh đó, hãy nhớ uống nhiều nước (đảm bảo nước tiểu trong), giảm lượng muối hàng ngày để phòng ngừa bệnh sỏi hình thành và tái phát.