12 Yếu tố gây sỏi thận ban nên biết
 
Nhiều thói quen hằng ngày có thể làm gia tăng nguy cơ mắc sỏi thận, sỏi tiết niệu nhưng bạn lại không hề hay biết.
Dưới đây là 12 yếu tố nguy cơ gây sỏi thận thường thấy, cần biết để tự phòng ngừa:
 
1. Thiếu canxi
Sỏi canxi là cái tên quen thuộc khi nhắc đến nguyên nhân gây sỏi thận, sỏi tiết niệu. Vì lẽ đó mà nhiều người e ngại việc bổ sung canxi vì sợ mắc sỏi. Tuy nhiên, nếu chế độ ăn uống của chúng ta thiếu canxi thì thành phần oxalate trong cơ thể thay vì liên kết với canxi trong đường tiêu hóa sẽ liên kết với canxi trong đường tiết niệu và tạo thành sỏi canxi oxalat.
2. Nghiện ăn salad
Salad thường chế biến từ các loại rau, lá xanh đậm như cải bó xôi, củ cải đường, …rất giàu oxalat. Lý tưởng nhất là oxalat sẽ liên kết với canxi trong đường tiêu hóa và đẩy ra ngoài qua đường tiết niệu. Tuy nhiên, nếu lượng oxalat tăng cao quá mức, nó sẽ đọng lại trong đường niệu và dẫn đến nguy cơ hình thành sỏi thận. Do đó bạn cần phải chú ý đến thành phần của salad để có điều chỉnh phù hợp.
3. Ăn quá mặn
Rất nhiều vấn đề sức khỏe của chúng ta đều bắt nguồn từ việc ăn quá mặn và sỏi thận cũng nằm trong số đó. Khi lượng natri đưa vào cơ thể tăng lên, điều đó cũng khiến lượng canxi do thận tiết ra tăng cao. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến sỏi thận.
4. Ăn ít cam, chanh, quýt, …
Những loại trái cây như cam, chanh, quýt, bưởi… có chứa hàm lượng citrate cao – đây là chất làm giảm nguy cơ hình thành sỏi thận trong cơ thể. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người thường xuyên đưa thêm trái cây, rau xanh vào chế độ ăn hàng ngày của mình thì có thể giảm nguy cơ sỏi thận.
5. Ăn nhiều thịt
Ăn nhiều thịt gia cầm và thịt đỏ cũng có thể tăng nguy cơ sỏi thận. Một nghiên cứu vào năm 2014 đã chỉ ra rằng những người ăn chay và ăn nhiều cá có nguy cơ sỏi thận ít hơn người ăn 100 gram thịt mỗi ngày từ 30 – 50%.
6. Uống quá nhiều trà
Điều này có vẻ không được những người yêu trà tin tưởng nhưng thực tế là vậy. Trà đen rất giàu oxalate có thể tăng nguy cơ sỏi thận. Do đó, nếu bạn đã bị sỏi thận trước đây, hãy hỏi bác sĩ về việc uống trà mỗi ngày để được tư vấn mức độ phù hợp.
7. Uống nhiều soda, nước ngọt
Thông thường, uống nhiều nước là cách tốt nhất để phòng ngừa sỏi thận bởi vì nước làm loãng các thành phần có thể hình thành sỏi thận. Nhưng không phải bất cứ loại nước uống nào cũng mang lại tác dụng như vậy. Một nghiên cứu năm 2013 đã chỉ ra rằng uống một lon soda hay nước ngọt một ngày cũng tăng nguy cơ sỏi thận lên 23%.
8. Di truyền từ bố mẹ
Nếu bố mẹ bạn đã từng bị sỏi thận thì bạn cũng có nguy cơ này bởi vì người trong gia đình thường có chế độ ăn uống giống nhau đồng thời cũng có những tương đồng về mặt gen. Con cái có thể thừa hưởng cơ địa hấp thụ oxalat nhiều hay ít từ bố mẹ.
9. Bị bệnh viêm đường ruột
Những người bị viêm đường ruột có nguy cơ bị sỏi thận cao hơn những người bình thường. Một trong những lý do giải thích cho mối liên hệ này lạ: những người bị viêm đường ruột thường xuyên bị mất nước, do đó, làm tăng tỉ lệ sỏi thận do các thành phần hóa học đậm đặc trong nước tiểu.
10. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Nếu bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu thường xuyên, có thể bạn đang bị sỏi thận. Thật ra, không phải trường hợp sỏi thận nào cũng gây đau và thậm chí những viên sỏi nhỏ có thể tự đào thải ra ngoài mà bạn không để ý đến. Nhưng cũng có những trường hợp sỏi thận ở lại trong đường niệu, gây tắc nghẽn đường tiểu dẫn đến nhiễm khuẩn.
11. Uống nhiều thuốc nhuận tràng
Đa phần việc lạm dụng thuốc nhuận tràng lại ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và thuốc của cơ thể, đồng thời có thể tạo ra sự mất cân bằng điện giải từ đó gây ra sỏi thận. Ngoài ra, uống thuốc nhuận tràng nhiều cũng khiến cơ thể bị mất nước, tăng nguy cơ sỏi thận.
12. Béo phì
Người béo phì có nguy cơ bị sỏi thận cao hơn 35% so với người bình thường. Lý giải được đưa ra là tăng cân làm thay đổi môi trường pH bên trong đường niệu, tạo điều kiện cho sỏi thận dễ dàng hình thành.