Tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận ở Việt Nam ngày một tăng cao và lan rộng ra mọi lứa tuổi. Nếu không phát hiện sớm để sỏi to lên, gây ra các biến chứng nguy hiểm: giãn thận, ứ nước, viêm thận, viêm đường tiết niệu, nặng nề hơn là suy thận, teo thận. Vì vậy, cần phát hiện sớm bệnh để điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây sỏi thận

Uống ít nước, nhịn tiểu: Việc uống ít nước và nhịn tiểu kích thích thận tái hấp thu lại nước, nước tiểu đặc hơn, khiến các chất khoáng dễ dàng kết tinh lại, hình thành nên sỏi.

Chế độ ăn uống không hợp lý: Ăn thiên lệch một loại thức ăn, đặc biệt là ăn nhiều các thức ăn có giàu canxi và oxalat. Các thức ăn giàu canxi: Trứng, tôm, cua, ngao, sò, ốc, súp lơ, cải chíp, sô-cô-la, sữa và các sản phẩm từ sữa…Thực phẩm chứa nhiều oxalat: Chè, cà phê, rau muống, dưa chuột, dâu tây…

 

Bệnh Gout – Rối loạn chuyển hóa acid nucleic: Bệnh nhân gout có nồng độ uric tại thận cũng tăng cao. Uric lắng đọng tại đài, bể thận tạo thành sỏi.

Dị dạng đường tiểu hoặc một số bệnh đường tiểu làm cản trở lưu thông nước tiểu gây ứ đọng tạo nên sỏi (dị dạng, u, sỏi bàng quang, u xơ, viêm tiền liệt tuyến).

Nhiễm khuẩn đường tiểu (viêm thận, viêm bàng quang, niệu đạo,...): Việc nhiễm khuẩn kéo dài khiến pH niệu tăng, các chất khoáng lắng đọng, từ đó có thể tạo điều kiện cho sự hình thành sỏi thận.

Triệu chứng gây nguy hiểm

Sỏi thận có thể diễn ra một cách âm thầm và chỉ thể hiện khi đã sỏi đã to trong thận.

Dấu hiệu của sỏi thận đầu tiên là xuất hiện cơn đau âm ỉ: Thỉnh thoảng xuất hiện các cơn đau âm ỉ, nhẹ nhẹ vùng thắt lưng, hông. Khi thấy dấu hiệu này có thể bạn đã bị sỏi nhỏ hoặc vừa ở bể thận, sỏi nhỏ ở niệu quản. Sỏi thận hoặc niệu quản gây ứ nước độ 1, 2. Nếu đau kèm theo bí đái, có thể sỏi ở cổ bàng quang hoặc lọt ra niệu đạo. Trong các trường hợp này nếu không phát hiện sớm, thận, niệu quản có thể bị giãn không phục hồi.

 

Khi có tác động mạnh (đi xe vào đường mấp mô, gồ ghề, nhiều ổ gà,...) hay hoạt động mạnh (chạy, nhảy, mang vác nặng, cử động mạnh,...) hoặc do thay đổi tư thế sẽ xuất hiện cơn đau ở vùng thắt lưng, có thể đi kèm rối loạn tiểu, khó chịu, trướng hơi, đầy bụng, buồn nôn và nôn.

Đau bụng dữ dội (gọi là cơn đau quặn thận), đau vùng thắt lưng nhất là phía thận có sỏi, nếu sỏi thận hai bên thì đau toàn bộ vùng thắt lưng, đau xuyên cả ra hông, lưng. Khi có dấu hiệu này thường là sỏi đài bể thận đang di chuyển xuống niệu quản. Trong trường hợp này cần phải đến cơ sở y tế ngay. Nếu không rất có thể dẫn đến viêm đường tiết niệu, viêm đài bể thận cấp.

Một số trường hợp đau thắt lưng từng cơn. Đầu tiên đau ở hai hố thắt lưng, rồi lan ra bụng, xuống bụng dưới và xuống đùi.

Có thể bạn quan tâm đến cách giảm đau sỏi thận

Tiểu ra máu: Đái máu chính là biến chứng thường gặp của sỏi thận do di chuyển, cọ sát của sỏi. Đái máu có thể làm nước tiểu có màu hồng hoặc đỏ (chảy máu nhiều) mắt thường nhìn thấy được (chảy máu đại thể), trường hợp rỉ máu phải xét nghiệm nước tiểu mới thấy được (chảy máu vi thể).

Khi sỏi xuống đến phần dưới của đường tiểu (niệu quản, bàng quang) người bệnh hay buồn đi tiểu và triệu chứng thường gặp là đau thắt lưng, đái buốt, đái dắt, đái són. Nếu có kèm theo nhiễm khuẩn đường tiết niệu (thận, niệu quản hoặc bàng quang) sẽ xuất hiện đái đục (nước tiểu có mủ) và có thể đái ra sỏi.

Khi thấy có một trong các dấu hiệu trên, bạn nên đi kiểm tra, xác định chính xác vị trí và kích thước của sỏi. Điều trị sớm, tránh gây nguy hiểm cho thận.