Một số thực phẩm khi nạp vào cơ thể sẽ gây tích tụ các chất gây tổn thương cho thận. Để cải thiện chức năng thận và ngăn ngừa tiến triển bệnh về thận, bạn cần chú ý đến chế độ ăn, đặc biệt là các thực phẩm không có lợi cho thận.
Thận là một cơ quan của cơ thể, đảm nhận chức năng lọc máu, đào thải các chất qua nước tiểu, cân bằng chất lỏng và chất khoáng trong cơ thể. Chế độ ăn có ảnh hưởng đến sức khỏe của thận. Dưới đây là các thực phẩm không có lợi cho thận, đặc biệt đối với những người có bệnh lý về thận cần chú ý.
Rau chân vịt
Theo y học cổ truyền, rau chân vịt có vị ngọt, tính mát, “ăn nhiều gây lở loét”. Bệnh nhân sau khi ăn nhiều loại rau này, tăng nguy cơ lắng đọng các tinh thể muối, nước tiểu bị vẫn đục. Chính vì vậy, người bị bệnh về thận nên chú ý khi sử dụng loại rau này.
Củ niễng
Củ niễng mọc nhiều ở vùng ngập nước, phần củ non được dùng làm thực phẩm. Trong loại củ này chứa một lượng lớn canxi oxalate khó tan và acid oxalic. Cho nên, người bị sỏi thận không nên ăn nhiều và thường xuyên củ niễng.
Củ nghệ
Củ nghệ gây kích thích niêm mạc trong hệ thống tiết niệu, làm tăng phản ứng viêm tại đường tiết niệu, bàng quang. Vì thế, người bị viên nhiễm đường tiết niệu không ăn nhiều củ nghệ.
Hạt tiêu
Hạt tiêu có vị cay, tính nóng, khi ăn dễ làm cơ thể nóng. Những bệnh nhân đang bị viêm nhiễm tiết niệu, bàng quang, niệu đạo, cơ thểđang nhiệt nếu ăn nhiều hạt tiêu sẽ khiến tình trạng nặng thêm.
Cua
Thịt cua rất giàu dinh dưỡng, có tính mát, những người bị lạnh hay phong hàn đều không nên ăn. Theo quan điểm y học cổ truyền, người bị viêm thận cấp và mạn không nên ăn.
Cá chình, cá đù
Hai loại cá này có tính bình, vị ngọt, giàu dinh dưỡng. Cá chình, cá đù dễ gây lạnh sinh khí, gây phát sinh bệnh hoặc làm tình trạng bệnh nặng thêm, đặc biệt đối với người bị viêm thận mạn tính.
Sò biển
Đối với những bệnh nhân tỳ thận hư, di mộng tinh nên kiêng loại thực phẩm này do sò biển có tính hàn.
Chuối tiêu
Chuối tiêu chứa hàm lượng muối kali cao, đối với người bị phù thũng và huyết áp cao do thận nên hạn chế hấp thu muối kali. Do vậy, người bị viêm thận cấp và mạn, chức năng thận suy giảm nếu ăn chuối tiêu thường xuyên sẽ tăng gánh nặng cho thận, dễ khiến tình trạng bệnh nặng thêm.
Dứa
Dứa có tác dụng giúp lợi tiểu, điều này có lợi đối với bệnh nhân cao huyết áp, sỏi thận, viêm thận. Tuy nhiên, trong vỏ dứa chứa hàm lượng lớn bromelin gây hòa tan fibrinogen và casein, do vậy, người bệnh thận không nên dùng nhiều.
Rượu
Rượu là chất kích thích gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt ảnh hưởng đến chức năng gan và thận. Cụ thể, rượu gây ức chế đào thải purin ở thận, tăng nguy cơ hình thành sỏi. Rượu gây khử nước trong cơ thể, gây mất nước, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan bao gồm thận, lâu dài gây suy thận.
Trà đặc
Trong thành phần của lá trà có chứa florua, khi uống quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến chức năng thận.Trong lá trà/chè chứa một lượng acid oxalic, dùng thường xuyên có thể dẫn đến oxalate niệu là nguyên nhân hình thành nên sỏi oxalate trong thận và đường tiết niệu.
Cà phê
Cafein có trong cà phê làm tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi calcium oxalate ở trong thận. Sỏi hình thành trong thận lâu ngày gây các biến chứng mà sỏi thận sẽ làm cho chức năng của thận dần dần yếu đi, là một trong những nguy cơ gây suy thận.
Thuốc lá
Thuốc lá gây suy giảm chức năng thận qua cơ chế: làm tăng huyết áp và tăng nhịp tim, làm giảm lưu lượng máu tới thận, hình thành mảng xơ vữa trong các động mạch thận, gây hẹp mạch máu thận từ đó gây giảm chức năng thận.